Năm 2016, Bộ GD&ĐT có một số điều chỉnh lớn trong chính sách hưởng ưu tiên khu vực. Quy định này có tác động như thế nào đến việc thực thi và đối tượng thụ hưởng?
Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa đã có trao đổi về vấn đề này.
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết: Hiện nay, quy chế có thay đổi chính sách ưu tiên, tuy nhiên có những thay đổi đó không ảnh hưởng nhiều tới thí sinh, cụ thể: Quy định thí sinh người dân tộc có hộ khẩu thường trú tại khu vực (KV)1 trên 18 tháng được hưởng 2 điểm ưu tiên (quy định năm trước không nói đến thời gian trên 18 tháng);
Quy định về chế độ hưởng ưu tiên khi chuyển trường chỉ viết rõ ý hơn còn nội hàm không thay đổi gì.
Về quy định khu vực ưu tiên, năm nay Bộ GD&ĐT viết rõ hơn KV2 là các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương và các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Vì năm trước vẫn còn băn khoăn thị xã thuộc tỉnh là KV2 hay KV2 nông thôn.
Quy định về chế độ ưu tiên theo khu vực khi thí sinh chuyển trường chỉ điều chỉnh lại cho rõ ý hơn trước kia:
+ Nếu trong 3 năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
+ Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.
Điểm điều chỉnh lớn nhất được đưa vào Quy chế sau khi rút kinh nghiệm công tác tuyển sinh năm 2015 là quy định việc thí sinh được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú:
"Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại các xã KV3 và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nếu học trung học phổ thông tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên".
- Với những điều chỉnh như vậy, học sinh cần lưu ý tới điểm gì khi xác định chế độ ưu tiên trong tuyển sinh?
- Khi xác định chế độ ưu tiên, thí sinh cần lưu ý: Chế độ ưu tiên khu vực về cơ bản được xác định theo xã đặt trường phổ thông nơi thí sinh theo học, không xác định theo hộ khẩu thường trú.
Các trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú:
- Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú;
- Học sinh các trường, lớp dự bị ĐH;
- Học sinh các lớp tạo nguồn được mở theo quyết định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ hoặc UBND cấp tỉnh;
- Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại các xã khu vực 3 và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (xã đặc biệt khó khăn) nếu học trung học phổ thông tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.
- Quân nhân, công an nhân dân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ.
- Trong Quy chế khi quy định điều kiện được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú chỉ đề cập đến các trường đóng tại thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một xã đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, thực tế có một số tỉnh miền trung, các thành phố trực thuộc tỉnh cũng có các xã đặc biệt khó khăn, vậy học sinh học tại trường đóng tại thành phố này và có hộ khẩu thường trú trên 18 tháng tại các xã đặc biệt khó khăn có được hưởng chế độ ưu tiên KV1 hay không?
- Đúng là trong Quy chế chỉ đề cập tới trường đóng tại các huyện, thị có ít nhất một xã đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên khi nhận được phản ánh của một số tỉnh về việc thành phố trực thuộc tỉnh vẫn có các xã đặc biệt khó khăn, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã báo cáo lãnh đạo Bộ và xin ý kiến.
Lãnh đạo Bộ đã đồng ý cho các thí sinh học tại trường đóng tại thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một xã đặc biệt khó khăn và có hộ khẩu thường trú tại xã đặc biệt khó khăn được hưởng ưu tiên KV1.
- Được biết Chính phủ và Ủy ban Dân tộc đã ban hành các quy định mới về các xã khó khăn: Một số xã không được đưa vào khu vực khó khăn, một số xã được bổ sung. Như vậy, năm nay danh sách các xã khu vực 1 (KV1) có thay đổi nhiều không thưa ông?
- Đúng là từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Chính phủ và Ủy ban Dân tộc đã ban hành các văn bản mới liên quan đến các xã thuộc khu vực khó khăn giai đoạn 2016-2020, trong đó một số xã đã được đưa ra khỏi khu vực khó khăn, một số xã thuộc khu vực biện giới, hải đảo được bổ sung.
Mặc dù vậy, danh mục các xã KV1 năm nay không thay đổi nhiều. Một số xã được đưa ra khỏi khu vực khó khăn vẫn được giữ nguyên trong danh sách các xã KV1 do các em học sinh đã học ở xã KV1 hai năm còn chuyển sang khu vực khác chưa đầy 1 năm.
Một số xã khó khăn và biên giới hải đảo được hưởng ngay KV1 theo quy định mới ban hành của Chính phủ vì thực tế từ trước đến nay đó vẫn là xã hải đảo, biên giới.
Bộ GD&ĐT đã công bố danh sách các xã KV1 và xã đặc biệt khó khăn trên trang thông tin điện tử của Bộ và chuyển cho các sở GDĐT để thông báo cho học sinh.