Ghé thăm 5 cửa ô và những dấu tích của thành Thăng Long xưa, chắc hẳn bạn sẽ có một chuyến đi lý thú cùng chiều sâu lịch sử nghìn năm văn hiến của thủ đô.
Thăng Long xưa là một đô thị lớn, là kinh đô của cả nước dưới nhiều triều đại khác nhau. Hệ thống thành quách, các công trình đền đài, lăng tẩm rất nhiều. Trải qua bao biến cố của thời gian, những dấu tích của thành Thăng Long đã bị phá hoại gần hết. Tuy nhiên, nếu thực sự yêu thích lịch sử và khám phá, bạn vẫn có thể tìm đến những địa điểm nổi tiếng, nơi ghi dấu chiều dài lịch sử kể từ khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long.
Địa điểm đầu tiên là Hoàng thành. Đây là di tích còn sót lại của Tử Cấm Thành xưa. Thành Thăng Long bao gồm Tử Cấm Thành, La Thành và Hào Thành. Tử Cấm Thành khi xưa vô cùng rộng lớn, là nơi ở của vua và hoàng tộc. Tại đây có rất nhiều công trình cung điện, lăng tẩm.
Tuy nhiên, sau thời Nguyễn, Tử Cấm Thành bị phá bỏ rất nhiều và thu hẹp lại thành thành Hà Nội, tương đương di tích Hoàng thành Thăng Long hiện nay. Đến thời Pháp thuộc, thành lại một lần nữa bị phá hủy đi nhiều, thay vào đó là sự xuất hiện của một số công trình mang phong cách Pháp nhằm mục đích quân sự.
Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hà Chi.
Đến Hoàng thành Thăng Long, bạn có thể khám phá Cột cờ Hà Nội, thăm Ngọ Môn, nền Điện Kính Thiên, Cửa Bắc, Lầu Công Chúa… Trong khu vực Hoàng thành còn có các di tích từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Bạn có thể thăm khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Khu di tích được phát lộ cách đây không lâu. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy vô số di tích, dấu vết và bằng chứng về sự hoành tráng và đồ sộ của Hoàng thành Thăng Long theo cả không gian và thời gian.
Sau khi tham quan Hoàng thành, bạn có thể khám phá 5 cửa ô Hà Nội đã đi vào thi ca, để biết thêm về quy mô thành Thăng Long xưa.
Thực ra thành Thăng Long xưa có rất nhiều cửa ô, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là 5 cửa ô Đống Mác, Cầu Dền, Cầu Giấy, Chợ Dừa và Ô Quan Chưởng. Thành Thăng Long xưa đươc bao quanh bởi 3 con sông là Hồng, Tô Lịch và Kim Ngưu. Hầu hết các cửa ô đều đổ ra 3 con sông này. Ngày nay những con sông bị thu hẹp dần. Sau các biến cố của thời gian, 5 cửa ô chỉ còn lại Ô Quan Chưởng đứng sừng sững cùng thời gian.
Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc, ở đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu. Ô Cầu Dền chính là ngã tư lớn nối Phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt. Ô Chợ Dừa hiện nay là điểm giao cắt của 6 tuyến phố Xã Đàn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành, Ô Chợ Dừa. Đây đồng thời là nút giao thông vô cùng quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của Hà Nội.
Vị trí của Ô Cầu Giấy được cho là nằm ở đoạn cây cầu bắc qua sông Tô Lịch tại ngã tư đường Láng - Bưởi - Cầu Giấy - Kim Mã. Vị trí Ô Quan Chưởng là điểm giao của phố Hàng Chiếu, phố Đào Duy Từ và phố Thanh Hà.
Tên gọi Ô Quan Chưởng bắt nguồn từ sự kiện xảy ra vào năm Tự Đức thứ 26, khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội (20/11/1873), một Chưởng cơ cùng một trăm chiến sĩ đã giữ thành này đến người cuối cùng. Người dân vì thế gọi cửa ô này là Ô Quan Chưởng để tưởng nhớ công lao.
Sau khi thăm các cửa ô, bạn nên ghé thăm những di tích gắn với lịch sử hàng nghìn năm Hà Nội. Nổi tiếng nhất là Thăng Long tứ trấn, Văn Miếu Quốc Tử Giám và chùa Trấn Quốc.
Thăng Long tứ trấn là tên gọi dân gian dùng để để chỉ bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng đông - tây - nam - bắc của thành Thăng Long. Đó là:
Trấn Đông: Đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm) thờ thần Long Đỗ - thành hoàng Hà Nội. Đền được xây dựng từ thế kỷ 9.
Trấn Tây: Đền Voi Phục (hiện nằm trong Công viên Thủ Lệ) thờ Linh Lang - một hoàng tử thời nhà Lý. Đền được xây dựng từ thế kỷ 11.
Trấn Nam: Đền Kim Liên, trước đây thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội), thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền được xây dựng từ thế kỷ 17.
Trấn Bắc: Đền Quán Thánh (hay còn gọi là đền Trấn Vũ), (cuối đường Thanh Niên), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền được xây dựng từ thế kỷ 10.
Đền Quán Thánh. Ảnh: MrHung.
Bốn ngôi đền đều rất nổi tiếng và được xây dựng mang đậm kiến trúc cổ của Thành Thăng Long. Hàng năm, các ngôi đền đều diễn ra hội rất đặc sắc và thu hút đông đảo khách du lịch.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa điểm nổi tiếng bậc nhất của thủ đô, với hình ảnh Khuê Văn Các đã trở thành biểu tượng. Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai, đời Lý Thánh Tông, thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho và là một trường học hoàng gia. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu, có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Kết thúc chuyến hành trình, bạn có thể dừng chân tại chùa Trấn Quốc. Chùa nằm trên một hòn đảo phía đông hồ Tây (quận Tây Hồ), có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Đây là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần.
Một chuyến đi ngắn nhưng sẽ làm bạn hình dung ra chiều dài lịch sử nghìn năm của Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay, vùng đất mà nhiều người dành thật nhiều tình cảm đặc biệt.