Giáo Dục

Thể Thao

Âm Nhạc

Thời Trang

Du Lịch

Du Lịch

Hình Ảnh

» » Việt Nam vào top 10 nước cởi mở với giáo dục đại học quốc tế

Việt Nam vào top 10 nước cởi mở với giáo dục đại học quốc tế

Hội đồng Anh vừa công bố danh sách các quốc gia đứng đầu thế giới về độ mở với giáo dục đại học quốc tế. Việt Nam đứng thứ sáu trong danh sách này.

Danh sách do Hội đồng Anh công bố ngày 4/5 cho biết: Dẫn đầu về cởi mở với giáo dục đại học quốc tế là nước Đức.

Theo tạp chí giáo dục Times Higher Education, không chỉ có nhiều chính sách liên bang hiệu quả về giáo dục quốc tế, chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức còn thành lập DAAD (Cơ quan trao đổi hàn lâm) nhằm thực hiện việc kết nối văn hóa và giáo dục đối với các công dân toàn cầu. Quốc gia này đặt mục tiêu tiếp nhận 350.000 sinh viên quốc tế vào năm 2020.

9 nước tiếp theo nằm trong top 10 gồm: Australia, Anh, Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Indonesia...

Danh sách này là kết quả của nghiên cứu do Janet IIieva (nhà sáng lập kiêm giám đốc tại Education Insight) và Michael Peak (quản lý nghiên cứu tại Hội đồng Anh) thực hiện.

Nghiên cứu có tên "Tình hình Giáo dục Toàn cầu: Khung chính sách quốc gia đối với các cam kết quốc tế" được tiến hành đối với 26 quốc gia trên thế giới.


Trong số 26 nước được chọn, ngoài đại diện của những nền giáo dục hàng đầu như Anh, Mỹ, còn có một số quốc gia nhận viện trợ từ giáo dục quốc tế như Ghana, Kazakhstan. Toàn bộ kinh phí nghiên cứu do chính phủ Anh tài trợ.

Độ mở trong giáo dục quốc tế của mỗi quốc gia được đánh giá dựa trên 37 tiêu chí khác nhau. Trong đó, 3 tiêu chí phân loại quan trọng nhất là mức độ cởi mở đối với hoạt động đi lại, du lịch của sinh viên và học giả quốc tế; mức độ bảo đảm chất lượng giáo dục trong nước và xuyên quốc gia, sự công nhận bằng cấp của nước ngoài; chính sách tuyển mộ công bằng và mức độ bền vững trong việc chống lại các vấn đề tiêu cực tiềm tàng như chảy máu chất xám.

Có 3 mức điểm: 1; 0,5 và 0 tương ứng khả năng đáp ứng mỗi tiêu chí của các đối tượng. Theo nhà quản lý Michael Peak, Đức là một trong số ít quốc gia "thực hiện nhất quán cả 3 tiêu chí trên". Malaysia cũng được đánh giá cao.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ chủ yếu tập trung việc tạo điều kiện di chuyển cho sinh viên quốc tế và các chính sách bảo đảm phương thức tiếp cận bình đẳng, ngăn chặn chảy máu chất xám.

Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy, các quốc gia như Australia, Đức, Nga đã và đang tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế tiếp cận thị trường lao động nhưng chất lượng thực sự chưa được đảm bảo.

Tuy là một trong những quốc gia du học hàng đầu thế giới, Mỹ có số điểm tương đối thấp trong bảng xếp hạng. Lý do Mỹ là quốc gia liên bang nên những chính sách tập trung vào giáo dục đại học bị hạn chế.